A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI TRONG DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG THPT NGHĨA DÂN

   

(Đây là báo cáo của nhóm Ngữ văn tại hội thảo chuyên môn cấp trường tháng 10/2018. Báo cáo này cũng vinh dự được chọn để trình bày tại hội thảo về "Vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong dạy học môn Ngữ văn" tại trường THPT Trần Hưng Đạo tháng 1/2019)       

I. Giới thuyết về phương pháp đóng vai trong dạy học môn Ngữ văn

Chiều 27/12/2018, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình này được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển của các nước tiên tiến, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học là một giải pháp then chốt, có tính đột phá cho việc thực hiện chương trình này.

Trong các phương pháp dạy học tích cực, đóng vai là phương pháp phù hợp với đặc trưng dạy - học của môn Ngữ văn. Đây là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành để trình bày những suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử theo một vai giả định. Từ đó giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách đứng từ chỗ đứng, góc nhìn của người trong cuộc, tập trung vào một sự kiện cụ thể mà các em quan sát được từ vai của mình.

Phương pháp đóng vai được thực hiện trong một số nội dung học tập sau: vào vai một nhân vật kể lại câu chuyện đã học, chuyển thể một văn bản văn học thành một kịch bản sân khấu, xử lý một tình huống giao tiếp giả định, trình bày một vấn đề, một ý kiến từ các góc nhìn khác nhau…

        Một số yêu cầu khi đóng vai:

          + Tình huống đóng vai phải phù hợp với chủ đề giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, trình độ học sinh và  điều kiện lớp học.

          + Tinh huống nên để mở, có thể không cho trước kịch bản để học sinh tự sáng tạo.

          + Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai.

          + Ngươi đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong tình huống của bài tập đóng vai để không lạc đề.

         + Nên khích lệ cả học sinh nhút nhát cùng tham gia.

         + Nên có hóa trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của việc đóng vai (nếu có điều kiện).

          Tuy nhiên, đóng vai không phải là sự chuyển hóa một cách tuyệt đối, học sinh có thể mang vào đó những cách cảm, cách nghĩ, cách ứng xử của riêng mình trên cơ sở tôn trọng ý nghĩa khách quan của tác phẩm và ý đồ chủ quan của nhà văn. Đây chính là tiền đề để học sinh phát huy được khả năng “đồng sáng tạo” của mình.

          Trên đây là một số vấn đề lý thuyết chung về phương pháp đóng vai. Phương pháp này không chỉ mang lại hiệu quả cao trong môn Ngữ văn mà còn có thể áp dụng với các môn học khác, đặc biệt la khoa học xã hội. Học sinh có thể vào vai các nhân vật, tái hiện lại sự kiện lịch sử trong môn Lịch sử hay tạo tình huống đạo đức, pháp luật và cách giải quyết trong môn Giáo dục công dân…

        II. Vận dụng phương pháp đóng vai trong hoạt động dạy – học môn Ngữ văn ở trường THPT Nghĩa Dân

          Trong quá trình dạy học môn Ngữ văn, nhóm chúng tôi đã vận dụng một cách linh hoạt ưu điểm của phương pháp đóng vai và đạt được những kết quả nhất định qua một số hoạt động sau:

       1. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Ngữ văn

          - Vào vai một nhân vật kể lại câu chuyện đã học: Vào vai nhân vật Mị Châu kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, vao vai nhân vật Tấm kể lại truyện cổ tích Tấm Cám

          - Chuyển thể một văn bản thành một kịch bản sân khấu: Chuyển thể kịch bản Vợ nhặt (Kim Lân), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)… thành kịch bản sân khấu và cho học sinh thảo luận về một số vấn đề trọng tâm được đặt ra. Từ đó học sinh hình thành được các kiến thức, kĩ năng và năng lực quan trọng qua bài học.

          - Xử lý một tình huống giao tiếp giả định: Nội dung này thường được áp dụng trong phân môn Tiếng Việt, tạo một cuộc giao tiếp khi học bài Đặc điểm ngôn ngữ nói và viết, Ngữ cảnh, Thực hành về hàm ý…Ví dụ khi học bài Thực hành về hàm ý, học sinh có thể hoạt động theo nhóm hoặc cặp đôi tạo nên những tình huống có sử dụng ham ý. Học sinh được dành thời gian chuẩn bị nhưng không được biết trước kịch bản, lời thoại. Sau đó, đại diện một vài nhóm lên trình bày. Các học sinh còn lại xác định hàm ý của cuộc hội thoại, đánh giá mức độ thú vị, hấp dẫn, chính xác.

          - Trình bày một vấn đề, một ý kiến từ các góc nhìn khác nhau: Đây là cơ hội học sinh được bày tỏ quan điểm riêng của bản thân một cách sáng tạo thông qua các vai diễn khi nhập vai các phiên tòa giả định trong các văn bản Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, thay lời Thúy Vân tâm sự với Thúy Kiều khi học đoạn trích Trao duyên…tưởng tượng ra một cái kết khác cho truyện Chí Phèo hay Tấm Cám…Học sinh có thể vào vai phóng viên, luật sư, thẩm phán, bị cáo…để nêu lên quan điểm riêng về vấn đề đặt ra trong bài học.

         2. Vận dụng phương pháp đóng vai trong hoạt động ngoại khóa

          Trong năm học 2017-2018, nhóm Ngữ văn đã vận dụng phương pháp đóng vai trong chương trình ngoại khóa mang tên Sáng mãi tên anh – Người lính cụ Hồ. Học sinh có dịp quay ngược thời gian trở về với một thời kì lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc qua các áng văn chương chống Pháp và chống Mĩ. Đại diện học sinh 3 khối đã sáng tạo những tiết mục đặc sắc như: Khối 10 với tiểu phẩm về những anh lính lái xe va thanh niên xung phong vui tính, hóm hỉnh ; khối 11 với nhạc kịch Đồng chí, khối 12 khắc họa lại bức tranh một Tây Nguyên hào hùng và quật khởi qua hình tượng cụ Mết, Tnú trong Rừng xà nu

          Thông qua các hoạt động dạy học trên lớp cũng như ngoại khóa, với phương pháp đóng vai, nhóm Ngữ văn đã giáo dục học sinh về  các giá trị sống quan trọng như niềm tự hào về đất nước, tình yêu thiên nhiên, lòng trắc ẩn, sự yêu thương, sẻ chia, thái độ sống lạc quan, tích cực, tự tin, tự chủ…

        3. Quy trình vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Ngữ văn

           3. 1. Bước 1: Giao nhiệm vụ chuẩn bị bài mới

            - Giáo viên chia nhóm, gợi ý một số nội dung/chủ đề cần đóng vai. Trong đó quy định rõ thời gian chuẩn bị và thời gian đóng vai cho các nhóm. Giáo viên có thể chia nhóm dựa trên năng lực, sở thích của học sinh.

           - Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai: phân vai, dàn cảnh, học lời thoại, cách thể hiện nhân vật, diễn thử…

        Ví dụ: Bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam

        - Chia lớp thành 4 nhóm, chuẩn bị bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam theo chủ đề Diễn xướng dân gian.

          + Nhóm 1: Đóng vai 1 cảnh tiêu biểu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy hoặc tưởng tượng và viết tiếp câu chuyện.

          + Nhóm 2 : Đóng vai 1 cảnh tiêu biểu trong truyện Tấm Cám hoặc viết một cái kết khác cho truyện Tấm Cám.

          + Nhóm 3: Đóng 1 truyện cười trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam.

          + Nhóm : Diễn xướng 1 trong các thể loại ca dao – dân ca, sử thi, hoặc sân khấu dân gian như chèo, tuồng…

         - Thơi gian chuẩn bị: 10 ngày.

         Lưu ý học sinh: Học sinh được tự do sáng tạo nhưng cần đảm bảo đúng đặc trưng của mỗi thể loại.

       3.2. Bước 2 : Học sinh trình bày sản phẩm – thảo luận

        - HS trình bày sản phẩm nhóm.

        - Giáo viên định hướng học sinh thảo luận về những nội dung trọng tâm của bài học được đặt ra từ các sản phẩm.

        - Học sinh thảo luận, nhận xét, đánh giá.

        Ví dụ: Bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam

      Sau khi các nhóm trình bày sản phẩm, GV định hướng HS thảo luận một số vấn đề:

       - Em có đồng tình với cách kết thúc truyện như vậy không? Đưa ra quan điểm của bản thân và lí giải sự lựa chọn.

       - Khái quát một số đặc trưng của truyện cười và ca dao – dân ca từ các sản phẩm diễn xướng:

          + Đối tượng, nội dung, tình huống gây cười. Tiếng cười trong tiểu phẩm mang lại ý nghĩa gì?

          + Phần diễn xướng ca dao/ chèo/ tuồng phản ánh những nội dung nào? Hình thức diễn xướng có gì đặc biệt? Từ đó rút ra vẻ đẹp tâm hồn của người dân lao động?

         3. 3. Bước 3: Chốt kiến thức

          GV chốt kiến thức, hướng dẫn học sinh tổng hợp và khái quát những vấn đề trọng tâm từ của bài học.

       III. Đánh giá hiệu quả và đề xuất

        1. Ưu điểm

    Qua quá trình vận dụng phương pháp đóng vai vào dạy học môn Ngữ văn, chúng tôi nhận thấy được những tín hiệu tích cực từ phía học sinh:

         - Học sinh được đồng sáng tạo với các tác giả, có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm, lối sống của các nhân vật. Từ đó có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, mới mẻ hơn về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

         - Học sinh được quyền nêu cảm xúc, bay tỏ thái độ, quan điểm riêng của bản thân từ góc nhìn của người trẻ ở thời hiện đại.

         - Học sinh có cơ hội khai phá và phát huy những năng khiếu mà có thể bản thân chưa hiểu hết: viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, thiết kế trang phục, đạo cụ; góp phần hình thành một số năng lực cho học sinh: hợp tác, sáng tạo, cảm thụ thẩm mĩ, sử dụng tiếng Việt…

         - Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo hướng tích cực. Học sinh qua việc trải nghiệm sẽ rút ra những thông điệp va giá trị sống có ý nghĩa.

         - Tạo không khí sôi nổi, sự hứng thú trong các tiết học.

        2. Hạn chế:

         - Phương pháp này đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, công phu (trừ một số tình huống giao tiếp giả định bất ngờ trên lớp), học sinh cần dành nhiều thời gian và đầu tư trang phục để có thể cho ra những sản phẩm chất lượng.

         - Một số học sinh còn hạn chế về năng khiếu diễn xuất, chưa thực sự tự tin khi đứng trước đám đông.

          Những năm học qua, cùng với các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực khác, chúng tôi đã có sự vận dụng chủ động và linh hoạt phương pháp đóng vai để khơi gợi ở học sinh những kiến thức, kĩ năng và năng lực cần thiết. Việc sử dụng có hiệu quả phương pháp này đã tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia các hoạt động học của môn Ngữ Văn. Cũng từ đó các em chủ động lĩnh hội những bài học làm người và cách ứng xử có văn hóa để xứng đáng trở thành những người chủ nhân tương lai của đất nước.

  * Một số hình ảnh minh họa (kèm theo)

 

                                                                                                                                                                                                         

Báo cáo viên: Lê Thị May

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website
Lượt truy cập hiện tại : 9
Hôm nay : 338
Hôm qua : 1.223
Tháng 04 : 22.036
Tháng trước : 30.444
Năm 2024 : 101.827
Năm trước : 178.564
Tổng số : 2.309.970